Ung thư gan là căn bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Ung thư gan là nguyên nhân tử vong do ung thư hàng đầu ở nam giới và hàng thứ 3 ở nữ giới tại Việt Nam. Nguyên nhân có tỉ lệ tử vong cao thường do người bệnh phát hiện ung thư gan muộn, lúc đó bệnh đã ở giai đoạn cuối. Vậy ung thư gan giai đoạn cuối có chữa được không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua thông tin đến từ dược sĩ Kuren Fucoidan dưới đây!
Ung thư gan có mấy giai đoạn? Ung thư gan giai đoạn cuối là gì?
Ung thư gan là sự hình thành và phát triển không kiểm soát của các tế bào ác tính bắt nguồn từ các tế bào gan. Ung thư gan được chia thành 4 giai đoạn theo hệ thống phân loại TNM của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (AJCC):
Giai đoạn I: có một khối u đơn độc (bất kể kích thước) chưa xâm lấn mạch máu. Khối u chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận hay các vùng khác.
Giai đoạn II: khối u đơn độc (bất kể kích thước) đã phát triển vào các mạch máu hoặc nhiều khối u, đều nhỏ hơn hoặc bằng 5 cm. Ung thư chưa xâm lấn đến các hạch bạch huyết lân cận hay các vùng ngoài gan.
Giai đoạn III:
- Giai đoạn IIIA: có nhiều hơn một u và ít nhất một khối u lớn hơn 5 cm. Khối u chưa xâm lấn tới các hạch bạch huyết lân cận hay di căn xa.
- Giai đoạn IIIB: ít nhất một khối u xâm lấn vào một nhánh tĩnh mạch chính của gan (tĩnh mạch cửa hay tĩnh mạch gan). Ung thư chưa xâm lấn đến các hạch bạch huyết lân cận hay di căn xa.
- Giai đoạn IIIC: một khối u phát triển vào cơ quan lân cận (ngoài túi mật), hay một khối u đã xâm lấn đến lớp vỏ bao quanh gan. Khối u chưa lan đến các hạch vùng hay di căn xa.
Giai đoạn IV:
- Giai đoạn IVA: khối u trong gan bất kể kích thước hay số lượng và có thể đã phát triển vào các mạch máu hay cơ quan lân cận. Ung thư đã lan đến các mạch máu hay hạch bạch huyết lân cận. Ung thư chưa di căn xa.
- Giai đoạn IVB: ung thư đã lan đến các phần khác của cơ thể (các khối u bất kể kích thước và số lượng, xâm lấn hạch vùng hay chưa). Trong các giai đoạn của ung thư gan, đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất.
Như vậy ung thư gan giai đoạn cuối hay giai đoạn 4 là giai đoạn mà tế bào ung thư lan ra các mạch máu, bạch huyết lân cận và các cơ quan xa. Đây là giai đoạn điều trị rất khó khăn và tiên lượng rất xấu vì rất khó kiểm soát được các tế bào ung thư khi chúng đã lan ra khắp cơ thể.
Dấu hiệu ung thư gan giai đoạn cuối
Ở giai đoạn cuối, các triệu chứng biểu hiện rất rõ và rầm rộ. Người bệnh phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm tính mạng. Dấu hiệu ung thư gan giai đoạn cuối điển hình gồm:
- Rối loạn tiêu hóa như chán ăn, đầy bụng, buồn nôn và nôn. Mức độ các triệu chứng thường nặng nề và diễn ra thường xuyên gây sụt cân, suy kiệt. Nhiều trường hợp cần phải hỗ trợ dinh dưỡng đường tĩnh mạch.
- Đau bụng đặc biệt vùng hạ sườn phải: do khối u ngày càng to lên chèn ép và sự xâm lấn của ung thư vào các cơ quan khác trong ổ bụng làm người bệnh rất đau.
- Mệt mỏi và sụt cân nhanh chóng. Người bệnh dễ suy kiệt do khó khăn trong ăn uống và hấp thu chất dinh dưỡng.
- Các rối loạn bởi tình trạng suy giảm chức năng gan, xơ gan:
- Báng bụng: tình trạng ứ đọng dịch trong màng bụng do tình trạng xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa hay do suy giảm albumin máu,… Báng bụng làm cho người bệnh khó thở, căng tức bụng, táo bón, khó tiêu, nôn/buồn nôn,…
- Biểu hiện tắc mật: da và củng mạc mắt vàng, tiểu sậm màu, phân bạc màu, ngứa,…Các triệu chứng này xuất hiện do sự tắc nghẽn đường mật trong gan hoặc ngoài gan gây ứ đọng bilirubin trong máu.
- Xuất huyết dưới da hoặc xuất huyết tiêu hóa như nôn máu, đi ngoài phân đen.
- Biểu hiện trên thần kinh: hội chứng não-gan (rối loạn giấc ngủ, thay đổi tâm trạng hành vi, lú lẫn, hôn mê,..)
Nếu có bất kỳ biểu hiện nào bất thường trên người chưa phát hiện ung thư gan hoặc ở những người ung thư gan đã và đang điều trị cần đến thăm khám bác sĩ ngay.
Điều trị ung thư gan giai đoạn cuối
Ung thư gan giai đoạn cuối có chữa được không? Nhìn chung, giai đoạn cuối là giai đoạn rất khó khăn trong điều trị vì lúc này các tế bào ung thư đã lan ra khắp cơ thể. Mục đích điều trị ở giai đoạn này chủ yếu đó là điều trị giảm nhẹ triệu chứng, hạn chế biến chứng, cải thiện chất lượng sống và kéo dài thời gian sống nhất có thể cho bệnh nhân. Khác với mục đích điều trị ở giai đoạn đầu đó là điều trị triệt căn, cố gắng loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư và các nguyên nhân ra khỏi cơ thể. Ở giai đoạn cuối một số phương pháp điều trị phổ biến gồm:
- Xạ trị giảm nhẹ: sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị có thể được sử dụng để giảm đau do di căn xương, não hoặc để kiểm soát các triệu chứng khác.
- Điều trị giảm đau: đau trong ung thư gan giai đoạn cuối thường có mức độ nghiêm trọng và xảy ra thường xuyên. Các thuốc làm giảm đau như paracetamol, các thuốc nhóm opioids,…thường được kê sử dụng.
- Điều trị các triệu chứng, biến chứng: tình trạng báng bụng gây khó thở bác sĩ sẽ tiến hành chọc dẫn lưu dịch ổ bụng để giảm áp và dùng thêm các thuốc lợi tiểu,…Hay điều trị xuất huyết do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản-dạ dày bằng truyền máu, truyền dịch, can thiệp cầm máu,…
- Ngoài ra, hỗ trợ vấn đề dinh dưỡng cũng được quan tâm vì người bệnh ung thư gan giai đoạn cuối thường mắc chứng rối loạn tiêu hóa nặng nề và khả năng hấp thu dinh dưỡng kém. Một số biện pháp như xây dựng chế độ ăn bệnh lý hay dinh dưỡng đường tĩnh mạch sẽ được thực hiện để cải thiện thể trạng cho người bệnh.
- Hỗ trợ tinh thần cho người bệnh và gia đình.
Xem thêm: Nút mạch gan – hi vọng sống của bệnh nhân ung thư gan
Giải đáp thắc mắc về ung thư gan giai đoạn cuối
Bệnh ung thư gan giai đoạn cuối có lây không?
Ung thư gan nói chung, bất kể giai đoạn nào, đều không có khả năng lây truyền như các bệnh truyền nhiễm khác.
Tuy nhiên, trong ung thư gan do virus viêm gan B, C thì virus này có thể lây truyền qua đường máu như tiêm chích chung bơm tiêm với người nhiễm,…,từ mẹ sang con hay qua đường tình dục. Vì vậy, để phòng ngừa ung thư gan do nhiễm virus viêm gan B,C, chúng ta cần chủ động tiêm phòng, quan hệ tình dục an toàn và tránh tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của người nhiễm virus viêm gan.
Bệnh ung thư gan giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Tiên lượng sống ở bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, toàn trạng sức khỏe, mức độ xâm lấn và di căn của ung thư,… Nhìn chung, ở giai đoạn cuối tiên lượng sống sót trên 5 năm thường rất thấp. Các thống kê cho thấy: ung thư gan di căn sang các cơ quan lân cận, tiên lượng sống sau 5 năm khoảng 7%; đối với trường hợp di căn đến các cơ quan xa, tiên lượng sống chỉ khoảng 2 năm.
Bệnh ung thư gan giai đoạn cuối có chữa được không?
Ung thư gan giai đoạn cuối có chữa được không? Như đã trình bày ở mục 3, đối với ung thư gan giai đoạn cuối các phương pháp điều trị sẽ mang ý nghĩa chăm sóc giảm nhẹ, cải thiện chất lượng sống và cố gắng kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Người mắc ung thư gan giai đoạn cuối cần tiếp nhận điều trị kịp thời và tuân thủ đúng phác đồ để giảm bớt những đau đớn và có chất lượng cuộc sống tốt hơn trong những giai đoạn sắp tới.
Phải làm gì khi ung thư gan giai đoạn cuối bệnh viện trả về
Có thể nói, ở giai đoạn cuối cùng khi bệnh viện trả về với gia đình là điều suy sụp tinh thần nhất với những người thân và người bệnh. Điều gì tới cũng phải tới, thay vì luôn buồn phiền, đau khổ và bi quan, người bệnh và gia đình nên thể hiện những điều tích cực nhất để những ngày cuối đời họ được tận hưởng những điều hạnh phúc và ý nghĩa nhất. Một số lời khuyên của bác sĩ khi chăm sóc người bệnh tại nhà ở giai đoạn này đó là:
- Chia sẻ tình trạng sức khỏe với những người thân yêu để họ có thể hỗ trợ về mặt tinh thần và thể chất.
- Tiếp tục sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát các triệu chứng như đau, buồn nôn, nôn, mệt mỏi,…
- Tham gia các liệu pháp hỗ trợ như vật lý trị liệu, massage, hoặc liệu pháp tâm lý để cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Tận hưởng thời gian quý giá: dành thời gian cho những người yêu thương và làm những việc mình thích.
- Mặc dù bệnh viện trả về, chúng ta vẫn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về các phương pháp điều trị mới hoặc thử nghiệm, nếu có.
- Hãy hỏi bác sĩ về các lựa chọn chăm sóc cuối đời để đảm bảo có được chăm sóc tốt nhất trong giai đoạn cuối của cuộc đời.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh và có thể hỗ trợ thêm bằng truyền dinh dưỡng tĩnh mạch,…
Xem thêm: U gan lành tính có nguy hiểm không?
Trên đây, dược sĩ Kuren Fucoidan đã giải đáp cho bạn thông tin về ung thư giai đoạn cuối, ung thư gan giai đoạn cuối có chữa được không? Ung thư gan giai đoạn cuối là điều không ai mong muốn. Mỗi người sẽ có những thái độ tiếp nhận khác nhau với căn bệnh này. Hãy luôn giữ tinh thần tích cực và lạc quan, đồng thời chọn cách tiếp cận điều trị đúng và tuân thủ điều trị có thể giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này. Hãy nhớ rằng, bạn không đơn độc trong cuộc chiến này. Hãy mạnh mẽ và luôn giữ niềm tin!